Tranh cãi quanh số phận của ôtô nhập khẩu
Các đơn vị có giấy ủy quyền chính hãng và doanh nghiệp lắp ráp muốn giữ quy định của Thông tư 20, trong khi giới nhập xe lại cho đây là rào cản với cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng.
Sau hơn 5 năm thực hiện, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý mới đang trình Chính phủ đề xuất các quy định mới thay thế văn bản này. Khoảng trống về pháp lý cũng như thời gian chờ đợi quy định mới đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, đồng thời nảy sinh những tranh cãi quyết liệt về hướng sửa đổi quy định này.
Theo nội dung trước đó của Thông tư 20, các doanh nghiệp muốn kinh doanh ôtô nhập khẩu cần có 2 loại giấy xác nhận. Một là giấy chỉ định (giấy uỷ quyền) nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Ngoài tăng các loại thuế, việc nhập khẩu xe chính hãng khiến giá ôtô Việt Nam luôn ở mức cao so với thế giới, thị trường thiếu sự cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu ôtô không chính hãng buộc phải tìm cách nhập xe cũ hoặc qua các đại lý nước ngoài để lách luật.
Theo Luật Đầu tư, Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ ngày 1/7 và Bộ Công Thương đang trình Chính phủ sửa đổi theo hai hướng ban hành một văn bản khác thay thế, loại bỏ điều kiện nhà nhập khẩu phải có giấy uỷ quyền. Nếu như được bãi bỏ, xe nhập khẩu sẽ được "cởi trói", mở ra viễn cảnh đổ mạnh vào Việt Nam, qua đó cũng góp phần tăng thu cho ngân sách từ các dòng thuế. Ngược lại, các nhà nhập khẩu xe chính hãng hiện nay lại hết sức lo lắng khi mất kênh độc quyền.
Về vấn đề này, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng ôtô là một sản phẩm phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ cao, có ảnh hướng đến tính mạng nhiều người tham gia giao thông. Vì vậy, kinh doanh ôtô yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp, phải có uỷ quyền nhà sản xuất để có hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe.
"Chất lượng xe, dịch vụ bảo dưỡng ảnh hưởng đến an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Chúng tôi lo ngại chất lượng xe, dịch vụ cho khách hàng sẽ không được đảm bảo, xuất hiện nhiều nhà nhập khẩu trốn thuế bằng việc mua bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài, ảnh hưởng đến thu ngân sách", VAMA nêu và kiến nghị Chính phủ khẩn cấp ban hành Nghị định thay thế cho Thông tư 20.
Đại diện của nhà nhập khẩu Rolls-Royce Motor Cars bày tỏ ủng hộ tạo ra môi trường bình đẳng để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, tạo sức ép phải tăng chất lượng, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, đại diện này cho biết, trong khi các nhà nhập khẩu xe chính hãng phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất bảo hành xe, nếu bỏ Thông tư 20, các doanh nghiệp khác cũng được nhập mà không phải đầu tư. Ngoài ra, nhà nhập khẩu không chính hãng cũng không bị ràng buộc bởi trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng xe sau khi đã bán cho khách hàng.
Một điểm khác được vị này cho là không công bằng là trong khi các doanh nghiệp chính hãng kê khai thuế rõ ràng thì không ít các nhà nhập khẩu không chính thức đã lợi dụng khe hở của pháp luật để khai giá trị ôtô thấp hơn nhiều so với giá trị thật để giảm số tiền phải nộp. Nếu bỏ Thông tư 20, các hành vi gian lận thương mại có điều kiện tăng lên, dẫn đến thất thu ngân sách.
Ngoài ra Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô (VIVA), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng bày tỏ việc muốn giữ lại các quy định của Thông tư 20 bởi nhập khẩu xe chính hãng sẽ giúp có những phiên bản phù hợp với thời tiết, đường phố, nhiên liệu của Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe là ông Đặng Như Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần 999999999 - lại khẳng định Thông tư 20 với quy định có giấy chứng nhận của nhà sản xuất thực chất chính là điều kiện kinh doanh, một giấy phép con tạo ra sự bất bình đẳng, độc quyền trong giới xe nhập khẩu. Doanh nghiệp nào nhanh chân hơn thì được giấy uỷ quyền, còn lại các doanh nghiệp khác sẽ không được nhập.
Ông Quỳnh cho rằng, cạnh tranh doanh nghiệp phải được đong đếm về giá cả, chất lượng xe, bảo hành - bảo dưỡng chứ không phải bằng một tờ giấy ai nhanh hơn thì được. Thông tư 20 đã cản trở sự đa dạng hoá của thị trường ôtô nhập khẩu, người tiêu dùng ít lựa chọn, không được dùng các sản phẩm mà mình mong muốn.
Về điều kiện bảo hành, ông Quỳnh nhấn mạnh các hãng xe lớn đều có trung tâm bảo hành quốc tế nhưng lại mâu thuẫn với điều kiện có giấy chứng nhận uỷ quyền của Thông tư 20, vô hình chung tạo ra rào cản cho các xe nhập khẩu không chính hãng được bảo hành quốc tế, trái với quy định của các nhà sản xuất xe trên thế giới. Theo đó, các trung tâm bảo hành chính hãng đã ra điều kiện bảo hành với các xe nhập khẩu ngoài với giá 9.000-10.000 USD.
Vị này khẳng định, có nhóm lợi ích, đặc quyền dựa trên những điều kiện kinh doanh của Thông tư 20. "Thông tư 20 đã hết hiệu lực trong khi quyết định bãi bỏ chưa có, văn bản mới chưa ra khiến các Cục hải quan và doanh nghiệp rất lúng túng, không dám nhập xe về vì nếu nhập sẽ rất rủi ro nếu như Chính phủ bất ngờ thay đổi", ông Quỳnh nói và cho biết các nhà nhập khẩu xe không chính hãng đã có kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương khẩn cấp bỏ Thông tư 20. Ông khẳng định người được lợi ích nhất chính là người tiêu dùng, giá cả xe cạnh tranh hơn, chế độ bảo hành quốc tế, nhà nước thu tiền lớn vào ngân sách trên cơ sở tăng số lượng và thuế phí vừa được áp dụng mới.
Trong văn bản gửi Chính phủ, Chủ tịch ôtô Trường Hải - Trần Bá Dương cũng cho rằng nếu bãi bỏ Thông tư 20, các doanh nghiệp lớn nhỏ sẽ ồ ạt nhập ôtô. Tình trạng tràn lan các bãi xe, cửa hàng ôtô như giai đoạn 2007-2011 sẽ tái diễn, đỉnh điểm như năm 2009, hơn 100.000 xe ôtô nhập khẩu. Việc này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành công nghiệp ôtô và các doanh nghiệp Việt đang tâm huyết đầu tư lớn để sản xuất cho lĩnh vực này.
"Bãi bỏ Thông tư khiến chúng tôi rất bất an vì đang rất tâm huyết và đầu tư lớn vào sản xuất ôtô. Hiện công ty đã kết hợp với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc nghiên cứu phát triển các dòng xe theo đúng chiến lược đã đề ra", Chủ tịch Trần Bá Dương nói và kiến nghị cần phải có biện pháp quản lý, lành mạnh hoá thị trường ôtô.
Bạch Dương