Quốc lộ 1A cứ 62km lại có một trạm thu phí
Cùng với mật độ dày đặc, vấn đề khiến Thường vụ Quốc hội lo lắng là tính minh bạch khi hầu hết dự bán BOT hiện được giao cho chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Những quan ngại nêu trên được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu đưa ra tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/7. Phiên làm việc hôm nay chủ yếu dành thời gian đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong 6 tháng đầu năm và đề xuất, kiến nghị thực hiện trong nửa cuối năm.
Nêu bức xúc của người dân và doanh nghiệp về vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí trên các đường quốc lộ, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế nhận định “ việc thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên Quốc lộ 1A quá dày đối với các dự án BOT, gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân”.
Ông Giàu cho biết Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo hơn 100 trang gửi tới Ủy ban Kinh tế giải trình về vấn đề này. “Đọc hết 100 trang này, thống kê thấy Quốc lộ 1A có tới 37 trạm thu phí. Như vậy, cứ 62km lại có một trạm BOT”, ông Giàu nói. Ông còn nhấn mạnh vấn đề đáng lưu tâm, quan ngại hơn là việc hầu hết nhà đầu tư là chỉ định thầu.
Cũng cho rằng việc thu phí BOT đang gây bức xúc lớn trong nhân dân, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận xét, tình trạng xây dựng các dự án đang có nhiều bất hợp lý. “Nhiều tuyến đường duy nhất cho phép xây dựng các dự án BOT và thu phí, khiến dân không có sự lựa chọn nào khác là đi qua. Điều này đã gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân, làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Hải nêu.
Lãnh đạo 2 Ủy ban đều có chung kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT. “Cần có sự điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách - Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng sau khi rà soát, Chính phủ cần có báo cáo Quốc hội việc triển khai các dự án BOT, đặc biệt là những bất cập, tồn tại trong quản lý thu phí.
Mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư BOT trong các dự án giao thông. Theo quy định, khoảng cách đặt các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu phải là 70km, nhưng có tuyến, chủ đầu tư rút ngắn khoảng cách này và vẫn đặt các trạm thu, khiến người dân phải trả mức phí cao.
Điển hình như đường cao tốc Hà Nội - Thái Bình dài chưa đầy 100 km, nhưng có 4 trạm phí BOT. Hay tuyến đường từ tỉnh Đăk Nông lên Bến xe Miền Đông (TP.HCM) chỉ có 330 km nhưng có tới 8 trạm thu phí, bình quân, cứ 40 km có một trạm.
Đặc biệt, một số đường được đầu tư bằng vốn ngân sách không áp dụng thu phí hoặc hết hạn thu nhưng chủ đầu tư cho cải tạo, nâng cấp để tiếp tục thu phí, khiến nhiều trạm này “hồi sinh” trở lại.
“Tại các dự án BOT giao thông, tình trạng đặt các trạm thu phí không đúng với quy định đang gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp vận tải, khiến chủ trương xã hội hoá xây dựng cơ bản bị hiểu sai”, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Trả lời trên báo chí, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, không thể áp dụng điều kiện khoảng cách đặt các trạm thu phí là 70km do các dự án giao thông có rất nhiều điểm đặc thù như có hầm, cầu thay thế cầu phao, dự án đường bộ đi qua các vùng đông dân cư... “Trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí không đáp ứng khoảng cách 70km thì Bộ Giao thông Vận tải đều có văn bản xin thoả thuận thống nhất với UBND các tỉnh và Bộ Tài chính”, ông Quốc thông tin.
Đối với các mức phí BOT đang thu không hợp lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính lý giải, việc tính toán dựa trên nhiều yếu tố, như quy mô dự án, tổng mức đầu tư… và nằm trong khung mức thu phí của Bộ Tài chính.
Nguyễn Hoài
Nguồn VNexpress